Mới đây, trên một diễn đàn làm cha mẹ có đăng tải bài viết của một mẹ có con đi học mẫu giáo gây chú ý của cộng đồng mạng.
Cụ thể, người mẹ trẻ mở đầu bài viết bằng một dòng nước mắt khi giữa 12h trưa nắng nóng đã phải tức tốc lên trường đón con về. Trước đó, người mẹ có xem camera để xem con ở lớp có ngủ ngoan không, nhưng đập vào mắt chị là hình ảnh cậu con trai ngồi vật vờ một mình trên ghế, trong khi các bạn khác đã ngủ hết, còn các cô giáo thì đang ngồi bấm điện thoại, tủm tỉm cười vui vẻ. Người mẹ cố quan sát thêm một lúc nữa thì thấy con trai vẫn bơ vơ một mình và không một cô giáo nào chú ý đến bé.
Điều khiến người mẹ này tức giận hơn cả là tiếp đó, có một bé khác ngủ chẳng may lăn ra khỏi giường thì lập tức một cô giáo chạy lại bế bạn lên ôm ấp và sau đó lót cho bé ngủ, trong khi vẫn không ai để ý đến con trai chị. Được một lúc, cậu bé gục xuống ghế, nằm trong tư thế vô cùng không thoải mái, và đến lúc này người mẹ đã không còn đủ nhẫn nại để xem tiếp nữa. Chị tức tốc phóng xe lên trường đón bé về. Về đến nhà, chị kiểm tra tình trạng của con trai thì phát hiện bé đi ị nên khó chịu, không ngủ được. Ấy vậy mà bao nhiêu cô giáo ở đó không ai phát hiện ra.
Người mẹ trẻ tự hỏi tại sao chỉ mỗi con chị bị các cô đối xử như vậy, có hay chay là do chị chưa gửi “tiền bồi dưỡng” các cô như mẹ của các bạn còn lại?
Câu chuyện trên nhanh chóng thu hút được sự tham gia bày tỏ ý kiến của cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Hai luồng ý kiến trái chiều được đưa ra. Một là kêu gọi các bậc phụ huynh cũng nên thông cảm cho các cô, bởi cái nghề nuôi dạy trẻ luôn phải chịu áp lực rất lớn nên có sai sót cũng là chuyện bình thường. Nếu bé chưa bị ảnh hưởng gì thì gia đình và nhà trường nên ngồi lại nói chuyện nhỏ nhẹ với nhau. Luồng ý kiến còn lại chiếm số đông, tỏ ra vô cùng bức xúc trước sự thờ ơ và phân biệt đối xử của các cô. Phải nói thêm rằng, vấn đề một bộ phận giáo viên hiện nay chưa đủ cái tâm nhưng vẫn đang được giao nhiệm vụ chăm sóc những mầm non tương lai không phải bây giờ mới diễn ra, thậm chí trước đó còn có những sự việc đau lòng hơn đã xảy ra, khiến toàn xã hội nhức nhối.
Một lần nữa, xin đừng đổ lỗi cho nghề nghiệp áp lực, bởi nếu đủ tình thương dành cho những đứa trẻ còn non nớt, áp lực hơn nữa cũng chẳng xá gì.